Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-10
Sự kiện trong nước
– Ngày 12-10-1945: Trong bài “Sao cho được lòng dân” đăng trên Báo Cứu quốc số 65, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
– Ngày 12-10-1960: Ngày truyền thống Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng. Cách đây tròn 62 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 470/BQP thành lập Cục Nghiên cứu kỹ thuật (tiền thân của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự ngày nay). Sự ra đời của Cục Nghiên cứu kỹ thuật có ý nghĩa to lớn, phản ánh tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Tổng Quân ủy, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với quá trình xây dựng quân đội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như lâu dài.
Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: nhandan.vn
Trong 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng; yên tâm, gắn bó với đơn vị; luôn bám sát thực tiễn, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ; dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Công tác xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, bao gồm cả tiềm lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và tiềm lực về con người luôn được Viện quan tâm, triển khai thực hiện thành nền nếp, có chất lượng, hiệu quả. Song song với đó, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đã thường xuyên xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân, tham gia tích cực công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều cách làm sáng tạo, tận dụng được thế mạnh của một đơn vị nghiên cứu khoa học, do vậy đạt được hiệu quả thiết thực; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương khen ngợi.
Với những kết quả và thành tích đạt được, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba và nhiều huân chương các loại. Nhiều công trình, đề tài, sản phẩm của viện đã được Nhà nước, các bộ, ban, ngành khen thưởng. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (12-10-1960 – 2020), Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
– Ngày 12-10-1960, Thông tấn xã Giải phóng, cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chính thức ra đời. Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt 1960-1975, mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ-Ngụy tấn công, nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì “mạch máu” thông tin liên tục, thông suốt, với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” như một mệnh lệnh.
Các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại căn cứ Trà Nô của Khu V, năm 1974. Ảnh: TTXVN
Hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Ngày 24-5-1976, trước tình hình và yêu cầu mới của cách mạng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng chính thức hợp nhất và gần một năm sau đó (ngày 12-5-1977) được đổi tên thành Thông tấn xã Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của hãng thông tấn quốc gia.
– Ngày 12-10-1971: Phòng Đánh cá thuộc Bộ tư lệnh Hải quân, tiền thân của Hải đoàn 128 (Công ty 128) thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được thành lập nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sự ra đời của Hải đoàn 128 đã góp phần đảm bảo cho Quân chủng Hải quân triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời xây dựng, phát triển kinh tế.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Hải đoàn 128 lần thứ XVII trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: baohaiquanvietnam.vn
Trong hơn 50 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, Hải đoàn 128 đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, tích cực, chủ động, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự cũng như nhiệm vụ làm kinh tế, góp phần cùng các lực lượng khác trong Quân chủng Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của tổ quốc.
Sự kiện quốc tế
– Ngày 12-10-1492: Nhà thám hiểm người Italia Christopher Columbus đặt chân lên một hòn đảo chưa ai biết đến và đặt tên hòn đảo đó là San Salvador. Đó chính là vùng Bahamas nổi tiếng ngày hôm nay.
– Ngày 12-10-1935: Ngày sinh của huyền thoại âm nhạc người Italia Luciano Pavarotti. Ông được đánh giá là một trong những ca sĩ opera thành công và được ngưỡng mộ nhất mọi thời đại, ông vua của các giọng nam cao từ cuối những năm 1960 đến những năm 1990.
Huyền thoại âm nhạc người Italia Luciano Pavarotti. Ảnh: Reuters
Trong gần 4 thập kỷ hết mình với nghệ thuật, Pavarotti được vinh danh nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng Grammy, giải thưởng Emmy, giải thưởng Kennedy Center Honors (một trong những giải thưởng thành tựu văn hóa trọn đời uy tín nhất của Mỹ). Luciano Pavarotti còn là người nắm giữ hai vị trí trong sách kỷ lục Guinness là ca sĩ được khán giả vỗ tay mời ra hát lại nhiều nhất (165 lần) và ca sĩ có album nhạc cổ điển bán chạy nhất mọi thời đại. Nhưng vinh quang lớn nhất với Pavarotti là tiếng hát của ông đã trở nên bất tử với thời gian, mãi mãi làm say đắm hồn người.
Ngày 6-9-2007, Luciano Pavarotti đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư tuyến tụy. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người yêu âm nhạc trên toàn thế giới.
– Ngày 12-10-2001: Ủy ban Nobel Na-Uy tại Oslo đã công bố trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan và tổ chức này “vì sự đóng góp cho một thế giới trật tự và hòa bình hơn”. Ông Kofi Annan là người châu Phi da đen đầu tiên giữ cương vị Tổng thư ký Liên hợp quốc trong hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp kể từ năm 1997. Đó cũng là thập kỷ với rất nhiều biến động thử thách với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, cũng là giai đoạn Liên hợp quốc tái định nghĩa vị trí của tổ chức này trong một thế giới thay đổi.
10 năm trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới, Kofi Annan đã được các nhà phân tích, chính trị gia đánh giá là vị Tổng Thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên hợp quốc. Nhằm cải thiện đời sống người dân trên thế giới, Kofi Annan đã tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ những nước nghèo hơn, xóa nghèo và bất bình đẳng. Nhờ có ông mà tầng lớp dân nghèo được chú ý nhiều hơn và có được sự chia sẻ sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Dần dần, Liên hợp quốc trở nên gần gũi với công chúng.
Hình ảnh ông Kofi Annan nhận giải Nobel Hòa bình vào ngày 10-12-2001. (Nguồn: Guardian)
Chính sách kêu gọi hành động ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu của ông năm 2001 đã tạo tiền đề cho việc thành lập Quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, để giúp đỡ những nước đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ. Một thành công nữa của Kofi Annan là ông đã thuyết phục nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia châu Âu công nhận mối đe dọa lớn của đại dịch HIV/AIDS.
Ông qua đời tại một bệnh viện ở Bern, Thụy Sĩ vào sáng 18-8-2018, hưởng thọ 80 tuổi.
TRẦN HOÀI (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, năm 2011; tuoitre.vn; baohaiquanvietnam.vn; vietnamplus.vn; britannica.com; nationalgeographic.org)