Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 5-10
Sự kiện trong nước
Ngày 5-10-1887, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Đinh Công Tráng từ trần. Đinh Công Tráng quê ở làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, người lãnh đạo nông dân khởi nghĩa chống Pháp và nổi tiếng với chiến khu Ba Đình. Sau gần 3 năm giữ thành, chống giặc, Đinh Công Tráng chạy về Nghệ An và bị giặc Pháp bắn chết tại làng Trung Yên ngày 5-10-1887.
Ngày 5-10-1892, sĩ phu yêu nước Tống Duy Tân bị giặc Pháp xử tử. Tống Duy Tân cùng các văn thân yêu nước khác đã tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885). Cùng các sĩ phu và văn thân yêu nước, ông giương cao cờ khởi nghĩa ở vùng núi Hồng Lĩnh, Thanh Hóa và trở thành thủ lĩnh của phong trào từ năm 1885 đến 1892. Tháng 9-1892, ông bị địch vây bắt. Không khuất phục được người sĩ phu yêu nước, giặc Pháp đã đưa ông ra xử tử.
(Theo sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)
Bài viết trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5-10-1970 về ngày thành lập Bộ đội Tăng thiết giáp.
Ngày 5-10-1959, Bộ đội Tăng thiết giáp thành lập. Ngày 5-10-1975, Báo Quân đội nhân dân số 3369 đăng trên trang nhất bài “Bộ đội thiết giáp lập thành tích kỷ niệm ngày thành lập binh chủng”. Thiết thực thi đua thực hiện khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, bộ đội thiết giáp ngày càng lớn mạnh, ra sức luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Những năm gần đây, tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games, đội tuyển xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt kết quả cao ở các kỳ thi đấu. Đặc biệt, với việc về nhất ở Bảng 2 năm 2020, Đội tuyển xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam đã lên thi đấu ở Bảng 1, gồm những đội mạnh của hội thao và trụ hạng thành công tại Army Games 2021.
Ngày 5-10-1971, Tổ máy đầu tiên của Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái) bắt đầu phát điện. (Theo sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)
Sự kiện quốc tế
Trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp, ngày 5-10-1789, phụ nữ Paris diễu hành tới cung điện Versailles phản đối vua Louis 16 đã từ chối ban hành các sắc lệnh xóa bỏ chế độ phong kiến.
Ngày 5-10-1947, lần đầu tiên một chương trình được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ Harry Truman là người thực hiện bài phát biểu trước máy quay.
Ngày 5-10-1974, Dave Kunst trở thành người đầu tiên được công nhận đã đi bộ hết một vòng Trái Đất. Ông đã hoàn thành chuyến đi của mình trong bốn năm, đi hỏng 21 đôi giày, qua 4 châu lục. Trong suốt chuyến đi, Dave Kunst đã tìm kiếm nhà tài trợ và gây quỹ cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. (Theo onthisday.com)
Theo dấu chân Người
Ngày 5-10-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Chu Trinh và một số đồng bào Việt Nam khác từ nhà của Luật sư Phan Văn Trường đến dự cuộc họp của Ủy ban Đệ Tam Quốc tế tại Paris.
Ngày 5-10-1945, Bác viết bài “Tinh thần tự động trong Ủy ban nhân dân” trên Báo Cứu Quốc phê phán tính máy móc và kém năng động của bộ máy chính quyền. Bài báo kết luận: “Các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện…”.
“Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, là tài liệu học tập cho cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc. Ảnh: hochiminh.vn
Ngày 5-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Báo Ashahi Shimbun của Nhật Bản, xác định rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong quan hệ với Nhật Bản: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mong muốn nhân dân hai nước luôn luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển…”.
(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)
Ngày 5-10-1968, Bác đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết lần thứ nhất Bộ đội Đặc công. Tại buổi nói chuyện, Bác tặng Binh chủng Đặc công 16 chữ “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”.
(Theo “Lịch sử bộ đội đặc công”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987, t.1, tr.340).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Những năm gần đây, báo chí và công chúng nhắc nhiều tới cụm từ “học tập suốt đời”. Trên thực tế, tư tưởng này không phải là mới. Lê-nin từng nhấn mạnh vai trò của học tập bằng khẩu hiệu nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi” và cách đây hơn nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đội ngũ cán bộ phải học tập không ngừng.
Báo Nhân Dân, số 139, ngày 1 đến 5-10-1953, đăng bài “Anh hùng học tập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B. Bài viết gửi lời nhắn nhủ của Bác tới đội ngũ cán bộ các cấp phải luôn cố gắng học tập, trong đó có đoạn:
…Cán bộ cần phải luôn luôn cố gắng học tập, thì tư tưởng mới nâng cao, công tác mới tiến bộ. Cho nên học tập là một nhiệm vụ rất quan trọng của cán bộ.
Đảng ta thường nhắc nhủ chúng ta như vậy. Nhưng có nhiều đồng chí mượn cớ rằng công việc quá nhiều, họ xem nhẹ việc học tập. Đó là một khuyết điểm to. Có quyết tâm thì nhất định học tập được.
(Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Tập 8, tr.305-306)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về học tập suốt đời cho cán bộ và nhân dân noi theo. Ảnh: hochiminh.vn
Luôn luôn học hỏi và có tinh thần cầu thị là điều quan trọng để tiến bộ trong công việc và cuộc sống. Đối với người cán bộ, học tập thường xuyên là yêu cầu bắt buộc để có thể bắt kịp với xu hướng phát triển, nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trên thực tế.
Người cán bộ phải thấm nhuần tư tưởng “học tập suốt đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, học tập suốt đời không có nghĩa là lúc nào cũng cắp sách tới lớp, tới trường, mà là phải tìm hiểu, học hỏi hằng ngày từ sách vở, từ kinh nghiệm của đồng nghiệp, bạn bè, người dân để áp dụng vào thực tiễn công việc. Người căn dặn: “Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người. Trái lại, phải học hỏi điều hay điều tốt của mọi người…”. Học tập ở đây là học và áp dụng vào thực tiễn. Học là học cái tinh thần xử trí với công việc, đối mặt với mọi tình huống đều giải quyết được một cách ổn thỏa. Học là để làm việc chứ không phải học để khoe khoang ta đây biết nhiều hơn người. Theo Người, học để khoe khoang thì chỉ là học vẹt, để “diễn gương” mà thôi, chẳng có tác dụng gì cho tập thể, nếu không nói là nặng về chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp của Hội đồng Chính phủ tại Phủ Chủ tịch (1960). Ảnh: hochiminh.vn
Bác từng nói:“Học cốt để biết đạo lý làm người, để giúp dân, không nên theo đuổi mục đích đỗ đạt để làm quan và nhũng nhiễu dân”. Điều quan trọng là phải cầu thị, không ngừng phấn đấu, rèn luyện và luôn coi biển học là vô bờ. Bác cũng chia sẻ:“Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Theo Người, cán bộ là phải biết kết hợp học ở trường, học ở sách vở, học tập lẫn nhau và học từ ngay thực tiễn công việc và học hỏi ở người dân.
Có một thực tế là những gì chúng ta biết là rất hữu hạn trong khi những kiến thức chúng ta chưa biết lại là vô hạn. Câu chuyện “ba sôi, hai lạnh” trong canh tác nông nghiệp ở những thập niên 1980 về trước ở nước ta là ví dụ gần gũi. Khi cán bộ nông nghiệp ngâm thóc giống, phần lớn bà con nông dân lo sợ hỗn hợp nước ba phần nước sôi, hai phần nước lạnh bốc hơi nghi ngút sẽ làm hỏng mạ. Nhưng thực tế đã chứng minh, thóc giống ngâm “ba sôi, hai lạnh” lại như sức trẻ ngủ đông được thức tỉnh; mạ lên xanh non, mạnh khỏe hơn và đem lại vụ mùa bội thu. Câu chuyện cho thấy lời Bác dạy hết sức gần gũi với thực tiễn. Cán bộ phải luôn luôn học hỏi để ứng biến với tình huống thực tiễn đem lại.
Có thể thấy “biển học là vô bờ” và ngoài những điều chúng ta biết và những điều chúng ta chưa biết, còn có những điều chúng ta không biết là chúng ta không biết”. Kiến thức là vô cùng nhưng cũng có chu kỳ bán rã của nó. Có những kiến thức hiện tại là cần thiết và áp dụng vào công việc được, nhưng một thời gian sau thì phải thay đổi, bổ sung. Người cán bộ không thể cứ ngồi im với kiến thức đã học ở nhà trường mà không tiếp nhận thêm từ thực tiễn sinh động. Trên thực tế, năng lực không tự nhiên mà có, bởi thiên tài đến từ 99% rèn luyện và chỉ có 1% là từ trí thông minh. Vì vậy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, phải ham học hỏi, phải tích cực rèn luyện thì mới có thể giúp người cán bộ đúc rút được nhiều kinh nghiệm và kiến thức bổ ích để phục vụ tốt công việc của mình.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5-10-1966 và 5-10-1969.
Ngày 5-10-1966, Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài chuyên đề “Làm theo lời Bác, tích cực rèn luyện tác phong chiến đấu của quân đội nhân dân, nâng cao sức chiến đấu, trăm trận trăm thắng”. Loạt bài điểm chiến công của các đơn vị quân đội trong thi đua lập công, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt ở loạt bài này là do tính chất bí mật nên phiên hiệu của các đơn vị trong loạt bài đều đã được mã hóa như “phân đội 2 đoàn X” hay “phân đội 4 đoàn Y”.
Ngày 5-10-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác qua Đông Khê – Thất Khê (Cao Bằng) trong Chiến dịch Biên Giới. Trang 3 số báo cùng ngày trích tập Hồi ký Bác Hồ của tác giả Vũ Anh tiêu đề “Từ Côn Minh về Pác Bó”. Bài viết kể về hành trình của Bác trải qua nhiều gian nan sóng gió mới về được tới Pác Bó.
HỮU DƯƠNG (lược ghi)