3 Kiểu dùng con chữ để “Buồn ơi, tạm biệt mi!”

Phan Hoàng Đức 09/03/2025

Viết tự do – Trần trụi với chính mình

Bằng chính trải nghiệm cá nhân, giáo sư Pennebaker đã phát hiện ra sức mạnh tâm lý của việc viết lách, mà cụ thể là thể loại văn biểu cảm.

Từ một khoảnh khắc lạc lõng ở độ tuổi 20, ông bắt đầu viết ra một cách thành thực nhất những gì mình nghĩ, về cuộc hôn nhân đang nguội lạnh, về tình dục và cả cái chết. Việc này được ông duy trì nhiều ngày cho tới khi sự kỳ diệu xuất hiện. Ông bắt đầu cảm nhận lại được sự kết nối với vợ mình. Chứng trầm cảm của ông cũng nhẹ dần đi.

Bất ngờ với chính kết quả ấy, Pennebaker đã dành hơn 40 năm sự nghiệp sau đó để nghiên cứu về tác dụng chữa lành của viết lách.

Một trong những kết quả nghiên cứu của ông cho thấy: Những người viết lên suy nghĩ về nỗi đau quá khứ trong 4 ngày liên tục, mỗi ngày 15 phút có hệ miễn dịch được cải thiện rõ rệt. Mà hệ miễn dịch tốt là một trong những mấu chốt của tinh thần khỏe mạnh.

Bài tập này vì vậy đã được nhân rộng ở nhiều dự án nghiên cứu khác, và còn được gọi với cái tên là Mô hình Pennebaker.

Gợi ý thực hành

  • Thời gian: Tối thiểu 20 phút mỗi ngày, trong 4 ngày liên tiếp.

  • Nội dung: Tất cả những cảm xúc, suy nghĩ của bạn về chuyện đã diễn ra hoặc đang diễn ra. Nếu sẵn sàng, hãy chọn viết về những điều bình thường bạn hay giấu kín. Đó có thể là những trải nghiệm tổn thương tâm lý từ lâu, hoặc những căng thẳng tạm thời với cha mẹ, người yêu, bạn bè, hoặc bất kỳ người nào khác quan trọng trong cuộc đời bạn.

  • Cách viết: Dùng ngôn ngữ thường ngày. (Bạn có chửi thề 1 tí cũng không ai hay…). Thoải mái về dấu câu, chính tả và ngữ pháp. Tập trung nhiều hơn vào cảm xúc, hơn là miêu tả lại sự vật, sự việc. Và quan trọng là phải viết liên tục. Nếu đang viết một ý mà tắc lại, bạn có thể kẻ ngang một đường thẳng và viết sang ý khác.

  • Lưu ý khác: Nhiều người cảm thấy xuống tinh thần ngay sau khi viết xong, nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường. Cảm giác này thường biến mất sau một hoặc hai tiếng.

Trong tất cả những cái thành thực, thành thực với chính mình có lẽ là thứ khó nhất. Không phải khó kiểu không biết cách, mà khó vì sợ sự phức tạp.
Trong tất cả những cái thành thực, thành thực với chính mình có lẽ là thứ khó nhất. Không phải khó kiểu không biết cách, mà khó vì sợ sự phức tạp.

Ví dụ

Cô đơn, trích “Ôm Phản Lao Ra Biển”, Tiếu sĩ Ngu Ngu.

Người ta ở ngay kia, mà không cách gì chạm tới. Mọi lời nói đều lạc lõng và rụng rơi. Mọi cử chỉ đều gượng gạo. Mọi dáng điệu đều không thoải mái. Mình cần phải rút lui. Mình sẽ rất buồn, rất khổ. Nhưng mình không thể khác. […]

Càng gần lại càng xa: mình không thể nói gì với gia đình. Càng xa lại càng khó: mình không biết mở lời thế nào với một người mới gặp. Liệu người ta có thích mình? Có ghét mình? Có thương mình? Có hiểu mình? Có thông cảm cho mình? Có kiên nhẫn băng qua sa mạc? Có dũng cảm vượt đại dương? Mình sợ bị từ chối. Mình sợ bị phản bội. Mình sợ làm đau và bị làm đau.

Xuống tận cùng hang ổ của Cô Đơn, mình tìm thấy Sợ Hãi nằm tròn xoe run rẩy. Mình ôm lấy nó, nằm lặng im nghe tiếng phập phồng. Và cả tiếng đại dương đang rì rào chảy tràn vào sa mạc.