Có một vùng đất được gọi một cách ví von là “gió như phan – nắng như rang”, nhưng khi đến đây thì cảm nhận đầu tiên là những cơn gió biển dịu nhẹ, bầu trời trong xanh, sóng êm ả và nụ cười tươi vui của những người dân đôn hậu. Vùng đất tôi đang muốn nói đến là Phan Rang nằm trên dãi duyên hải miền Trung đầy nắng gió.
May mắn đã đưa đẩy tôi đến với vùng đất này vào những ngày hè giữa tháng 4, khi mà bầu không khí bao trùm cả nước nói chung và Sài Gòn nói riêng trở nên nắng nóng kinh hoàng. Khi chọn vùng đất Phan Rang là nơi tránh nóng cho dịp nghỉ lễ, bạn bè đều khuyên can “ai lại đi tránh nóng tại nơi nắng nhất quả đất”, mới đầu nghe có vẻ hoang mang nhưng khi đến đây thì tôi không hối hận vì quyết định của mình.
Tôi không nói hết về hành trình ăn ở của mình ở đây, tôi chỉ xin diễn tả lại cảm xúc của mình và miêu tả lại cảnh đẹp mà tôi có cơ hội khám phá trên con đường ven biển từ Phan Rang đến Cam Ranh con đường DT702.
Con đường DT702 mới được đầu tư nâng cấp trong 2 năm trở lại đây, trước đây nó là con đường đá chồng chềnh khó đi, chính vì vậy bãi biển Bình Tiên, đảo Bình Hưng, vịnh Vĩnh Hy,… mấy năm nay mới trở nên hấp dẫn những tín đồ đam mê khám phá. Đường DT702 có độ dài 65km ôm trọn vườn quốc gia núi Chúa, sau khi được nâng cấp thì được mệnh danh là con đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Đúng là như vậy mọi người ạ, trước đây tôi còn hoài nghi với những câu nói mà mọi người gán ghép cho con đường này nào là thiêng đường, nào là cung đường huyền thoại, nào là con đường tuyệt vời nhất,… nhưng khi đến đây tôi cảm thấy mọi từ ngữ ấy dường như vẫn chưa đủ để nói lên hết vẻ đẹp mà con đường này mang lại. Với tôi, không có mỹ từ nào để nói lên hết vẻ đẹp mà tôi được chiêm ngưỡng trên cung đường này.
Vì phải đón thêm một người bạn ở Suối Đá, huyện Thuận Bắc nên chúng tôi bắt đầu hành trình tại đây ngược về Phan Rang, bỏ qua bãi biển Bình Lập. Khởi đầu con đường khá bằng phẳng tuy nhiên chạy thêm vài km thì bắt đầu quanh co và dốc. Vài con suối bắt ngang qua cung đường hòa mình vào biển lớn, tại nơi giao thoa giữa nước mặn và nước ngọt tôi thấy được những lán trại mà người dân nuôi trồng thủy sản. Đoàn xe chúng tôi càng lên cao cảnh biển hiện lên càng hùng vỹ. Núi chồm ra ôm lấy biển, biển dịu dàng nép mình vào núi, tạo nên những vịnh, những bãi biển, những cảnh sắc vừa nên thơ, vừa kỳ vỹ.
Chúng tôi ghé vào Bình Hưng thưởng thức hải sản, tắm biển và nghỉ ngơi. Hải sản ở đây cũng như những vùng biển khác trên nước ta cũng tươi ngon, phong phú và giá tương đối “mềm”. Bãi biển với cát trắng tinh, nước thì trong xanh như ngọc, sóng êm dịu lăn tăn vỗ bờ, tuy trời nắng gắt nhưng nước biển lại mát cực. Sau khi thưởng thức hải sản và thả mình vào làn nước biển chúng tôi lại tiếp tục hành trình ven biển.
Hành trình từ Bình Hưng để chạy về Phan Rang làm tốn của chúng tôi tương đối nhiều thời gian, vì chốc chốc đoàn lại dừng lại chụp hình, tuy trời rất nắng nhưng tất cả chúng tôi đều không thể kiềm chế được trước cảnh đẹp nơi đây. Suốt chặng đường này thường hay xuất hiện những vịnh nước nhỏ, nước biển ăn sâu vào núi, đôi ba con thuyền đánh cá neo đậu lại, nước thì trong đến nỗi chúng tôi đi trên xe với khoảng cách rất xa mà vẫn nhìn thấy đáy. Có những đoạn rừng vươn cánh tay hơi dài ra biển làm cho màu xanh lá cây của rừng bọc lấy màu xanh biết của biển, điểm xuyết là màu trắng của những tản đá chơi vơi làm nên bức tranh tuyệt mỹ, có lúc tôi phải thốt lên rằng có thật là mình đang ở Việt Nam không, có thật là mình đang chiêm ngưỡng cảnh đẹp này trước mắt không hay chỉ là đang mơ.
Vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi không thể ghé vào vịnh Vĩnh Hy mà chỉ “len lén” nhìn ngắm từ trên cao. Đứng trên cung đường DT702 vịnh Vĩnh Hy yên bình trong nắng chiều, những con tàu về neo đậu trong vịnh, dãi cát trắng nằm dài dưới những hàng dừa tỏa bóng. Vịnh được ví như nơi sơn cùng thủy tận của tỉnh Ninh Thuận quả không sai, núi gần như dang một vòng tay, chỉ còn một cái eo nhỏ để biển lòn léo vào trong.
Từ vịnh Vĩnh Hy chúng tôi di chuyển khoảng 7km là đến Hang Rái, cái tên nghe thật mới lạ với dân du lịch không chuyên như tôi. Vì không phải là người vùng biển nên tôi nghĩ đây là một hang động ở vườn quốc gia núi Chúa, đến nơi thì ngỡ ngàng với những mõm đá tổ ong, hỏi ra thì mới biết có tên gọi này là vì đây là nơi sinh sống của những rái cá trước kia. Tuy không giống như trong tưởng tượng nhưng vẻ đẹp của mình mõm đá này cũng quyến rũ tôi không kém những vịnh nước kia, và chúng giúp cho tôi nâng thêm kiến thức về biển cả. Mõm đá khổng lồ này là nơi yêu thích của nhiều nhiếp ảnh gia, nếu bạn nào đang dự định cưới thì Hang Rái cũng là nơi chụp hình lý tưởng.
Rời Hang Rái chúng tôi tiếp tục hành trình về với Phan Rang, đến đoạn đường này thì không còn quá gần và cũng không còn đủ cao để quan sát biển. Tôi chợt nhận ra thật quá thiếu xót khi chỉ đắm chiềm trong vẻ đẹp của biển mà quên mất bên phía tay phải của mình còn những cảnh tượng vô cùng nhộn nhịp. Những đàn cừu, đàn dê thông thả về chuồng sau một ngày kiếm ăn, những ruộng tỏi, đồng nho đang ra chồi nảy lộc, những cánh đồng muối bát ngát mang mùi thơm, mà theo cách gọi ngô ngố của tôi là mùi của biển và đó, theo tôi là hình ảnh đẹp mà ta có thể bắt gặp ở khắp nơi, hình ảnh con người hăng say lao động.
Ngoài những hình ảnh đẹp mắt mà tôi kể cho các bạn nghe ở trên thì vẫn còn những hình ảnh khá phản cảm, có lẽ phải nói là đáng báo động, và chuyện cũng không phải là mới mẻ gì nếu không muốn nói là chuyện muôn thuở của người Việt Nam mình. Đó chính là tình trạng xả rác vô cùng bừa bãi, trên suốt đoạn đường chúng tôi đi, hầu như bãi biển nào cũng có người đến thăm, tắm biển, và bãi biển nào cũng có rác, có điểm nhiều, điểm ít, lác đác khắp nơi,… Tôi nghĩ những tín đồ đam mê du lịch nói chung và đặc biệt là các bạn trẻ nói riêng, mỗi người chúng ta nên ý thức hơn về việc thu gom rác khi đi du lịch để gìn giữ thiêng đường của chúng ta sạch đẹp và luôn là điểm đến lý tưởng.
Nếu các bạn đang có kế hoạch đi biển vào mùa hè này, tin tôi đi đừng bỏ qua đảo Bình Hưng, vịnh Vĩnh Hy và con đường DT702. Bạn sẽ có nhiều trải nghiệm, nhiều cung bật cảm xúc khi đến đây và sẽ thấu hiểu vì sao lại có câu “Rừng vàng, biển bạc”.
Kim Phụng