Đau bụng do ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn phải thực phẩm có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh hoặc các hóa chất độc hại. Triệu chứng đi kèm thường là tiêu chảy, sốt, nôn mửa… Người bệnh cần kịp thời bổ sung nước, điện giải, dùng thuốc theo chỉ định để tránh biến chứng.
Đau bụng do ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia…
Trong đó, đau bụng là triệu chứng thường xảy ra, xảy ra khi niêm mạc đường tiêu hóa bị kích thích, bị viêm nhiễm hay tăng nhu động để loại bỏ tác nhân gây ngộ độc, từ đó gây ra đau bụng kiểu quặn cơn, co thắt. Cơn đau có thể dịu đi một lúc sau mỗi lần đi ngoài hay sau khi nôn ói.

Dấu hiệu đau bụng do ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thức ăn thực phẩm có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với độc chất hay tác nhân gây ngộ độc, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm.
Nhìn chung, đau bụng ngộ độc thực phẩm chủ yếu là tình trạng cấp tính, xảy ra đột ngột và biến mất trong một thời gian ngắn, thường không vượt quá một tuần. Một số trường hợp người bệnh có thể nghĩ đến ngộ độc khi:(1)
- Có những biểu hiện khác thường sau khi ăn uống một thực phẩm nào đó.
- Những người cùng ăn chung một loại thực phẩm có biểu hiện giống nhau, trong khi những người không ăn loại thực phẩm đó không có biểu hiện gì.
- Gặp phải những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.
- Thực phẩm vừa ăn uống có mùi vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có giun sán.
Ngoài triệu chứng đau bụng thì khi người bệnh bị ngộ độc có thể ghi nhận các triệu chứng đi kèm như sau:
- Tiêu chảy, tiêu phân máu
- Nôn, buồn nôn
- Sốt
- Đau đầu, xây xẩm
Một số loại ngộ độc thực phẩm ít gặp (như ngộ độc cá, ngộ độc động vật có vỏ, sắn, măng) có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, với nhiều triệu chứng đi kèm như:
- Mờ mắt, nhìn đôi
- Khó nói, nói ngọng
- Co giật
- Đau đầu, chóng mặt
- Yếu liệt
- Những trường hợp này đều rất nghiêm trọng, cần cấp cứu kịp thời để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.
Ngoài ra, người bệnh đặc biệt là trẻ em khi bị ngộ độc thực phẩm đau bụng cũng có thể nhận thấy các triệu chứng mất nước đi kèm như:
- Khát nước và khô miệng
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Choáng váng, chóng mặt, có thể xảy ra khi đứng lên, ngồi xuống
- Ngất xỉu
- Da niêm khô
- Nước tiểu sẫm màu
- Da bị giảm độ đàn hồi
- Mắt hoặc má trũng xuống
- Trẻ em: uống nước háo hức bất thường, khô miệng và khô lưỡi, khóc không có nước mắt…

Các trường hợp đau bụng ngộ độc thức ăn
Các trường hợp đau bụng ngộ độc thức ăn thường gặp bao gồm:
1. Ngộ độc do E. coli (Escherichia coli)
E coli là một loại vi khuẩn thuộc nhóm vi trùng đường ruột Enterobacteriaceae. Loại vi khuẩn này thường có nhiều trong tự nhiên, trong đường ruột của gia súc và con người. Ở trong đường ruột, E coli thường tồn tại ở trong đại tràng nên còn được gọi là vi khuẩn đại tràng. Ngay cả khi gây bệnh, các triệu chứng cũng thường kéo dài 2-3 ngày. Chủng nguy hiểm là E. coli 0157:H7, thường tồn tại trong đường tiêu hoá của vật nuôi.
Ngoài ra, các loại thực phẩm chứa mầm bệnh E. coli bao gồm: thịt chưa nấu chín, thịt sống, sữa tươi và các sản phẩm từ sữa. Vi khuẩn cũng có thể lây lan sang các loại rau, trái cây, từ đó gây hại cho hệ tiêu hóa con người khi ăn phải. Thời gian ủ bệnh thừ 5 đến 48 giờ (trung bình từ 10 đến 24 giờ).
Một số triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm do E. coli bao gồm:
- Tiêu chảy ra máu
- Đau bụng
- Suy thận (trong trường hợp nặng)
- Buồn nôn
- Nôn mửa
2. Ngộ độc do Salmonella (Salmonella enterica)
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn salmonella đều do ăn thịt gà, trứng sống, thịt bò, thịt lợn, sữa bị hỏng hoặc sản phẩm bị nhiễm độc. Các triệu chứng ngộ độc do nhiễm salmonella tương tự như triệu chứng nhiễm E. coli, bao gồm:
- Tiêu chảy
- Sốt cao
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Bệnh không được điều trị có thể kéo dài từ 4 – 7 ngày. Phương pháp điều trị thông thường là bổ sung đủ nước và dùng thuốc kháng sinh, điều trị triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói.
3. Ngộ độc do Listeria (Listeriosis)
Listeria monocytogenes là vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng hơn E. coli và Salmonella, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu. Vi khuẩn này lây truyền qua nguồn nước, đất bị ô nhiễm, do đó thường gặp trong các loại thịt và rau sống. Triệu chứng thường gặp gồm:
- Sốt cao
- Đau cơ
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Mất thăng bằng
- Co giật
Nếu người bệnh gặp những triệu chứng này, nên đi khám ngay lập tức để tránh nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Bị đau bụng ngộ độc thực phẩm nên làm gì?
Khi bị đau bụng ngộ độc thực phẩm, người bệnh nên cân nhắc thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Cách chữa đau bụng ngộ độc thực phẩm tại nhà
Trong hầu hết các trường hợp, người bị ngộ độc thực phẩm có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Biện pháp ưu tiên là bù nước và điện giải để ngăn ngừa tình trạng mất nước, bằng cách uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, nước có chứa điện giải, đồ uống thể thao…
Người trưởng thành, người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, tiêu chảy nặng nên cân nhắc uống dung dịch Oresol, Hydrite, …. Thành phần có chứa glucose và chất điện giải, đặc biệt rất hiệu quả với tình trạng mất nước.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, triệu chứng thường gặp là nôn mửa sau khi ăn hoặc cảm thấy vô cùng chán ăn trong thời gian ngắn. Khi cảm giác thèm ăn quay trở lại, người bệnh nên quay lại chế độ ăn bình thường, ngay cả khi vẫn bị tiêu chảy.
Một số loại thực phẩm có thể khiến triệu chứng ngộ độc trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt nên tránh, bao gồm:
- Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, nước ngọt
- Thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên, pizza, đồ ăn nhanh
- Thực phẩm, đồ uống có đường và một số loại nước ép trái cây
- Sữa và các sản phẩm sữa có chứa đường lactose
2. Gặp bác sĩ điều trị theo y khoa
Nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả, người bệnh nên đi khám bác sĩ y khoa để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng hơn. Thông thường, đối với người trưởng thành, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc không kê đơn như: loperamid, bismuth subsalicylate… để điều trị tiêu chảy. Tuy nhiên, thành phần có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, cần tham khảo kỹ trước khi sử dụng.
Với các trường hợp bị tiêu phân ra máu hoặc sốt, các loại thuốc không kê đơn kể trên thường không mang lại hiệu quả. Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, cần có biện pháp điều trị phù hợp hơn.
Các yếu tố nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Bất kỳ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ em
- Phụ nữ mang thai
- Người cao tuổi
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu
Phân biệt đau bụng do ngộ độc thực phẩm và bệnh lý
Các bệnh lý về dạ dày, đặc biệt là viêm dạ dày ruột do siêu thường có triệu chứng gây nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm. Hai tình trạng này hoàn toàn khác nhau:
Viêm dạ dày ruột do siêu vi là tên gọi chung của bệnh lý về đường tiêu hóa do virus gây ra, thường gặp là norovirus, rotavirus và adenovirus. Cụ thể, những nhóm virus này lây truyền qua việc ăn thực phẩm/ nguồn nước bị ô nhiễm, chạm tay vào bề mặt chứa virus sau đó đưa vào miệng, hoặc dùng chung đồ dùng với người nhiễm bệnh. Triệu chứng bệnh gồm: tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, sốt, đau đầu…
Trong khi đó, ngộ độc thực phẩm là một thuật ngữ đề cập đến các bệnh do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra, phổ biến là salmonella, E. coli và tụ cầu khuẩn. Con đường lây lan chủ yếu là lây nhiễm chéo từ thực phẩm sống. Triệu chứng cũng tương tự với bệnh viêm dạ dày ruột nên rất khó phân biệt.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian phát bệnh. Bệnh viêm dạ dày ruột do siêu vi thường biểu hiện trong vòng từ 12 – 48 giờ, trong khi các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường phát triển nhanh hơn nhiều, chủ yếu trong vòng 6 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thời gian mắc bệnh cũng khác nhau. Các bệnh về dạ dày tồn tại khoảng 1 – 3 ngày, trong khi ngộ độc thực phẩm hiếm khi kéo dài hơn một ngày hoặc thậm chí chỉ trong vài giờ.(2)
Ngộ độc thực phẩm có phòng ngừa được không?
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đau bụng, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp hữu ích sau đây:
- Rửa tay: Rửa tay bằng xà phòng và nước trong vòng ít nhất 20 giây, luôn luôn thực hiện sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, trước và sau khi xử lý thực phẩm.
- Rửa trái cây và rau quả: Rửa sạch trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy trước khi ăn, gọt vỏ hoặc sơ chế, chế biến.
- Vệ sinh kỹ dụng cụ nhà bếp: Rửa thớt, dao và các dụng cụ khác bằng xà phòng chuyên dụng sau khi tiếp xúc với thịt sống, trái cây, rau quả chưa rửa sạch.
- Không ăn thịt hoặc cá sống/chưa nấu chín kỹ: Luôn ăn chín uống sôi, nhiệt độ chế biến tối thiểu đối với toàn bộ các loại thịt, cá là 63 độ C, thịt xay là 71 độ C, thịt gia cầm là 74 độ C.
- Bảo quản lạnh đối với thức ăn thừa: Cho thức ăn thừa vào hộp đậy kín để bảo quản trong tủ lạnh ngay sau bữa ăn.
- Rã đông thực phẩm đúng cách: Có thể cho vào lò vi sóng, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để rã đông qua đêm hoặc cho thực phẩm đông lạnh vào hộp chống kín và cho vào nước lạnh.
- Không ăn thực phẩm bị hỏng: Tuyệt đối không ăn thực phẩm khi có dấu hiệu hỏng, mốc hoặc đã quá hạn.
- Vệ sinh tủ lạnh định kỳ: Nên vệ sinh bên trong tủ lạnh vài tháng một lần, bằng cách sử dụng dung dịch tẩy rửa gồm 15ml baking soda với 0,9l nước.

Trên đây là bài viết tổng hợp đầy đủ thông tin về tình trạng đau bụng do ngộ độc thực phẩm, phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích liên quan đến vấn đề điều trị và chăm sóc sức khỏe.