Là một người đam mê văn chương, thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm II chuyên ngành Ngữ văn năm 2000. Trải qua 16 năm giảng dạy thầy cũng đã gặt hái được rất nhiều thành tích như có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, có nhiều học trò thành đạt, nhiều em là thạc sĩ, là giảng viên các trường đại học và thầy cũng được nhận nhiều giấy khen, bằng khen, nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.
Không chỉ say mê với sự nghiệp trồng người cao quý mà thầy còn rất mê say sáng tác và viết. Suốt gần 20 năm cầm bút thầy đã có khoảng 400 tác phẩm, hàng trăm bài viết với nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, bút kí, ghi chép ở nhiều góc độ, lĩnh vực, nhiều cuộc đời, nhiều cảm xúc về đời sống xã hội. Thầy cũng tham gia nhiều cuộc thi viết và rất vinh dự khi được nhận nhiều giải thưởng văn học của cấp bộ, cấp khu vực và cấp tỉnh như: Giải Ba cuộc thi thơ về “ 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954- 07/05/2014), 55 năm năm đường Trường Sơn (19/05/1959- 19/05/2014) của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2014; Giải A khuyến học khuyến tài Vĩnh Phúc năm 2014, giải Ba cuộc thi viết về “70 năm lực lượng vũ trang Quân khu 2” do tỉnh đội Vĩnh Phúc tổ chức năm 2016… Thầy cũng đã có rất nhiều tác phẩm, nhiều bài viết được các đài, báo từ Trung ương đến địa phương chọn phát thanh và đăng trong hơn chục năm nay như chương trình Tiếng thơ, chương trình phát thanh Văn nghệ thiếu nhi của Đài phát thanh và Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, báo Giáo dục và Thời đại, Văn nghệ Nhật Lệ, Văn nghệ Đất tổ, Văn nghệ Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc cuối tuần, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử Sở giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Bản tin Giáo dục Vĩnh Phúc, Bản tin xây dựng xã hội học tập Vĩnh Phúc… Thầy cũng có nhiều thơ in chung trong các tập thơ như: “Thơ nhà giáo” – NXB Văn hóa Dân tộc năm 2011; “Đất nước tình yêu”- NXB Văn hóa- Thông tin năm 2014, “Bình minh Sông Lô”- NXB Hội nhà văn năm 2015.
Tháng 08 năm 2017, nhà giáo Trần Thanh Hương đã xuất bản tập thơ “Tiếng vọng của dòng sông”- NXB Hội nhà văn với 58 bài thơ. 58 bài thơ là tiếng tơ lòng muôn điệu hướng tới nhiều đối tượng với nhiều cung bậc, cảm xúc dạt dào, thiết tha, sâu lắng tình đời, tình người. 58 bài thơ là 58 đứa con tinh thần mà tác giả đã viết bằng nhiều tâm huyết, công sức, nhiều tư duy trong gần 20 năm trời.
Cầm tập thơ thầy tặng trên tay, tôi rất vui và rất ấn tượng, đó là một tập thơ được trình bày đẹp về hình thức và sâu lắng về nội dung. Trang bìa là gam màu vàng, nhan đề bài thơ là phông chữ màu xanh, dòng sông biểu tượng in trên bìa được họa sĩ Nguyễn Duy Mạnh và Thái Nhật Minh (Hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam) vẽ và thiết kế rất tinh tế, giàu ý nghĩa với nhiều hình ảnh ẩn hiện phản ánh nội dung của tập thơ. Tập thơ nhỏ nhỏ, xinh xinh với 110 trang, có 5 hình ảnh minh họa cho các chủ đề do họa sĩ Nguyễn Duy Mạnh vẽ.
“Tiếng vọng của dòng sông” có 8 chủ đề gồm: Thơ viết về gia đình (8 bài); Thơ viết về nhà trường (8 bài); Thơ viết về quê hương, đất nước (11 bài); Thơ viết về biển đảo (6 bài); Thơ viết về bốn mùa (6 bài); Thơ viết về lãnh tụ và bộ đội (4 bài); Thơ viết về phụ nữ và tình yêu (8 bài); Thơ viết về các chủ đề khác (7 bài)
Mỗi con người sinh ra đều có gia đình, đó là cội nguồn sinh dưỡng, là điểm tựa của mỗi người, nhà thơ Trần Thanh Hương có những vần thơ thật xúc động khi viết về cha mẹ:
Đuổi theo cuộc đời cha bao lần vấp ngã
Mẹ và chúng con chạy theo cha liêu xiêu, nghiêng ngả
Vấp sắp ngã rồi lại được cha nâng
Con không tin mình trúng tuyển đại học
Ngày con nhập trường hình như cha khóc
Con mang theo những cánh đồng
chồng chất vết chân cha
vào giảng đường
(Cha kính yêu)
Hay:
Mẹ giống như cây bồ đề
Vươn cao tỏa rợp bóng mát
Con cháu chỉn chu an lạc
Cũng nhờ phật sống- mẹ tôi!
(Đức phật mẹ tôi)
Nhà trường là mặt trời hồng, xóa tan bóng tối đêm đông tâm hồn. Đến với nhà trường là đến với một thế giới kì diệu, thế giới của thầy, của bạn, của ước mơ, khát vọng, của nền văn minh nhân loại, thế giới của đạo lí làm người. Những vần thơ viết về nhà trường thật ý nghĩa, có những bài tôi đã nghe rất nhiều lần trong chương trình Tiếng thơ của Đài phát thanh và tiếng nói Việt Nam như:
NƠI TA Ở
Kính tặng trường Trung học cơ sở Quang Yên
Nơi ta ở có nhiều trò nhỏ
Tóc râu ngô và mắt sáng long lanh
Trường ta đóng dưới chân núi Thét
Giữa trời mây, thôn bản yên bình.
Nơi ta ở có bao đồng nghiệp
Từ mọi miền về dạy học bên nhau
Say sưa quá tiếng giảng bài trên lớp
Giọng trong veo trò nhỏ đọc Kiều.
Nơi ta ở có bạt ngàn hoa núi
Hoa không tên nhưng thơm đến lạ thường
Như dân bản tấm lòng rộng mở
Mỗi con người chan chứa yêu thương…
Nơi ta ở có bao điều đáng ở
Có mái trường ăm ắp tình thân
Có tiếng trò cười nói trong ngần
Có mùa xuân nơi người gieo hạt.
Hay:
Học văn đâu chỉ ở trường
Đời là văn đó soi gương răn mình
Người văn trọng nhất chữ tình
Trò văn ghi nhớ đinh ninh lời thầy.
(Tâm sự với trò văn)
Quê hương, đất nước cũng là một đề tài lớn trong thơ Trần Thanh Hương, nhà thơ ví Vĩnh Phúc quê mình thật độc đáo và giàu ý nghĩa qua thi phẩm: Quê hương tôi hình dáng bàn tay, tác giả cũng rất xót xa khi về quê thấy mất mùa, dòng sông Lô ngày càng bị khai thác cạn kiệt và ô nhiễm, nghề gốm Hương Canh ngày càng bị mai, một, giá lợn rẻ hơn rau muống mà bìa đỏ của bà con mình vẫn gửi cho ngân hàng giữ. Những cánh đồng trù phú ngày xưa nay biến thành khu công nghiệp, cảnh lũ lụt miền trung, hình ảnh em nhỏ da cam chơi ghi ta đều làm người thơ nhói lòng.
Quê hương tôi hình dáng bàn tay
Đục đá, luyện trâu, đả cầu cướp phết
Xây chùa, đúc bụt, lễ vái tổ tiên
Kéo song, đua thuyền, múa quyền, luyện gốm…
Quê hương tôi hình dáng bàn tay
Những dãy núi như những ngón tay xanh biếc
Tam Đảo, Tây Thiên, Bình Sơn bút tháp…
Viết ước mơ lên trời!
(Quê hương tôi hình dáng bàn tay)
Hay
Nay về quê mẹ Hương Canh
Bao nhiêu chum sứ vại sành đi đâu?
Bao nghệ nhân ở nơi nao?
Làng xưa xao xác thiết thao gọi hồn!
(Con về quê mẹ Hương Canh)
Và:
Sông Lô hôm nay
Oằn mình rên xiết
Đất đào cạn kiệt
Làm gạch thu lời.
Cát sỏi cạn rồi
Nguồn nước ô nhiễm
Ngô khoai về ngược
Tìm chốn sinh sôi.
Thương lắm sông ơi
Vọng nghe kêu cứu
Con người có hiểu
Hãy lắng nghe sông…
(Tiếng vọng của dòng sông)
Biển đảo luôn là một điểm nóng trong trái tim tác giả, Trường Sa, Hoàng Sa trùng trùng sóng vỗ, sự kiện giàn khoan HD 981 khiến cả dân tộc muốn hành quân về biển, tác giả đã căn dặn con để xin ra trận, để bảo vệ lãnh thổ chủ quền của Tổ quốc, Hoàng Sa tuy không toàn vẹn nhưng trong sâu thẳm trái tim nhà thơ vẫn muốn nhắc nhở thế hệ trẻ phải nhớ mà đòi lại:
Nơi anh ở giữa biển trời Tổ quốc
Nơi Long Quân lấy nước làm nhà
Nơi sóng biển hòa máu ông cha
Vỗ ì ầm như nhắc nhở ta…
Nơi anh ở yêu lắm: Trường Sa!
(Nơi anh ở yêu lắm Trường Sa)
Và:
Chúng em chơi trận giả
Lấy lại đảo Hoàng Sa
Đỏ trời cờ giải phóng
Biển lại xanh hiền hòa…
(Chúng em chơi trận giả)
Hay:
Nhưng con ơi nếu kẻ thù cố tình không hiểu
Vẫn ngang nhiên xâm lấn biển trời
Khiến dân tộc mình không còn kiên nhẫn nổi
Cha sẽ là người làm đơn xin xung trận đầu tiên…
Tuổi thơ con sẽ có những tháng năm không bình yên
Nửa đất nước mình sẽ hành quân về biển
Nửa còn lại sẽ cùng nhau ngược lên miền Tây Bắc
Để sẵn sàng viết tiếp trang sử hào hùng ‘‘Bạch Đằng, Điện Biên!’’
(Nếu đất nước bị xâm lăng con hãy lắng nghe lời cha nói)
Khúc ca bốn mùa cũng là một đề tài mà tác giả quan tâm, mùa xuân là mùa của sự sống, của niềm vui xum họp, đoàn tụ, mùa hạ là mùa của hoa thơm, trái ngọt, mùa thu khí hậu hiền hòa, lòng người thanh nhẹ, mùa đông lại cau có, già nua đều đi vào thơ rất chân thực, tự nhiên:
Bản tình ca mùa xuân ngây ngất
Phảng phất đất trời hương vị tình yêu.
(Bản tình ca mùa xuân)
Hay:
Tháng bảy mưa nhiều thành lũ
Trắng trời con nước mênh mông
Mẹ nơi quê nhà dông bão
Tháng bảy mưa tan nát lòng…
(Mưa tháng bảy)
Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những anh hùng liệt sĩ là một chủ đề sâu lắng trong thơ nhà giáo Trần Thanh Hương. Bác mãi là mặt trời bất tử, ngày nhà thơ rơi lệ là khi nghe tin Võ Nguyên Giáp mất, những nghĩa trang trùng trùng khắp mọi miền đất nước khiến nhà thơ không thôi xót xa, trăn trở, đây cũng là chủ đề thành công nhất khi tác giả đạt giải ba cuộc thi thơ về “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05/1954- 07/05/2014 và 55 năm năm đường Trường Sơn 19/05/1959- 19/05/2014” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2014 với tác phẩm Những ngôi sao không xưng danh.
NHỮNG NGÔI SAO KHÔNG XƯNG DANH
Chúng tôi gặp các anh
Nằm bạt ngàn, bạt ngàn ở những cánh rừng đầy gió
Nằm rất thẳng hàng ở các nghĩa trang thành phố
Và rất nhiều, rất nhiều ở đài tưởng niệm khắp mọi miền quê…
Chúng tôi gặp các anh
Nơi Trường Sơn ngập tràn sương khói
Nơi thành cổ một thời đạn bom nhức nhối
Nơi địa đạo Củ Chi âm âm sáng tối.
Chúng tôi gặp các anh
Ở khắp nơi nơi trên mọi miền Tổ quốc
Trong đất… trong nước…
Và chập chờn, chập chờn trong giấc mơ của chúng tôi!
Các anh lặng im không ai nói
Chỉ nghe thấy tiếng gió cười
Chỉ nhìn thấy bảng lảng mây trời
Và những tia nắng rủ nhau rong chơi, rong chơi…
Chúng tôi biết các anh
Thèm một bữa canh cá nấu khế
Nhớ mùi thơm hương bồ kết của mẹ
Mơ về những mái tóc dài và những tiếng cười con trẻ!
Hơn một triệu giấc mơ cùng nỗi nhớ
Biến thành những ngôi sao bay lên trời xanh
Chúng tôi nhìn thấy các anh
Cứ lặng lẽ, lặng lẽ tỏa sáng lung linh,
lung linh,
lung linh…
Tình yêu và phụ nữ luôn chiếm một khoảng rộng trong trái tim thi nhân, nếu người đàn ông thiếu phụ nữ có lẽ chưa bao giờ hoàn hảo, họ vừa là tình yêu, vừa là sức mạnh, vừa là điểm tựa tuyệt vời nhất đồng thời là những nhát cắt, những vết sẹo ngọt ngào nhất trong hành trình dài rộng của mỗi đấng nam nhi:
Trở về cánh đồng quê tôi úp mặt vào mộ mẹ cha
Bên cạnh là mộ em hương hoa còn mới
Tôi cúi đầu muộn màng nói lời tạ lỗi
Trái tim nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi!
(Trở về cánh đồng tháng tư)
Hay:
Phụ nữ quê tôi
Mềm mại Sông Lô
Mơn mởn Bình Xuyên
Đài các Vĩnh Yên
Nên thơ Tam Đảo
Sắc sảo Yên Lạc, Vĩnh Tường
Năng động Lập Thạch, Tam Dương
Khẩn trương Phúc Yên thị xã…
Phụ nữ quê tôi
Những người giữ lửa tuyệt vời.
(Phụ nữ quê tôi)
Khép lại trang thơ mà lòng tôi không khỏi bâng khuâng xúc động, lại muốn cầm tập thơ lên để đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhà văn học người Nga V.Bêlinxki sống vào thế kỉ mười chín từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Tiếng vọng của dòng sông là tiếng lòng nhà giáo, nhà thơ Trần Thanh Hương hướng về cuộc đời còn nhiều lấm láp và cũng không kém phần lấp lánh này. Xin chúc cho tác giả mạnh khỏe, dồi dào bút lực để sống, dạy và viết, để tạo nên những nhân cách thật đẹp, những tác phẩm thật hay cho cuộc đời.