Viêm cơ đầu gối là hậu quả của thói quen sinh hoạt không khoa học, gây tích tụ vi chấn thương trong thời gian dài. Mức độ nhẹ, viêm đầu gối có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi triệu chứng kéo dài nhiều ngày, người bệnh cần đi khám để được can thiệp y tế kịp thời.
Viêm cơ đầu gối là gì?
Viêm cơ đầu gối là một trong các bệnh lý cơ xương khớp rất thường gặp. Khi các nhóm cơ quanh đầu gối chịu tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, các bó cơ bị chấn thương lặp đi lặp lại, lâu dần chuyển thành phản ứng viêm. Viêm cơ khớp đầu gối có nhiều mức độ nhưng biểu hiện chung là gây khó khăn khi cử động.
Cơ đầu gối gồm nhiều nhóm cơ, bao gồm: cơ bán màng, cơ bán gân, cơ may, cơ thon, cơ tứ đầu đùi… Mỗi loại cơ đều đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển động của cơ thể. Không chỉ truyền lực cho xương chuyển động, các nhóm cơ đầu gối còn hỗ trợ ổn định cấu trúc khớp gối, chịu sự chi phối thần kinh, nguồn máu nuôi từ thần kinh và động mạch đùi.
Viêm đầu gối ở giai đoạn đầu chỉ gây đau khi vận động, tuy nhiên càng để lâu các triệu chứng càng nghiêm trọng, gây khó khăn trong đi lại và sinh hoạt hằng ngày, tình trạng đau diễn ra cả khi nghỉ ngơi.
Bệnh viêm cơ đầu gối tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhưng lại làm giảm chất lượng sống do các triệu chứng cản trở người bệnh thực hiện các sinh hoạt thường ngày. Đáng lưu ý, với các trường hợp mức độ viêm cơ nặng hoặc tái phát nhiều lần có thể tiến triển thành viêm mạn tính, thậm chí là đứt cấu trúc gân do bị viêm lâu ngày.

Triệu chứng viêm cơ đầu gối
1. Đau cơ gối
Đau nhức cơ là một trong những triệu chứng xuất hiện đầu tiên, cảnh báo tình trạng tổn thương của nhóm cơ đầu gối. Khi gối chuyển động gập duỗi hoặc có lực tác động sẽ thấy cơn đau cơ rõ ràng hơn. Đau có gối tuy không liên quan đến cấu trúc xương đầu gối, nhưng vẫn gây khó chịu cho người bệnh khi chuyển động.
2. Sưng đỏ
Sưng đỏ, có hoặc không kèm tình trạng nóng tại đầu gối bị viêm thường xảy ra cùng lúc với triệu chứng đau cơ. Thường xảy ra trong trường hợp viêm cơ khớp đầu gối do chấn thương, các sợi cơ bị kéo căng, hoặc nặng hơn là rách cơ.
3. Cứng khớp gối
Cứng khớp gối có thể xảy ra ở những người đã nhiều lần bị viêm cơ đầu gối hoặc bị viêm cơ quanh khớp gối mức độ nặng. Cứng khớp sẽ xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Người bệnh nên massage khớp gối, sau đó tập những động tác gập duỗi nhẹ nhàng để dần dần loại bỏ triệu chứng cứng khớp gối tạm thời này. (1)
4. Giảm khả năng vận động
Giảm khả năng vận động có thể là do cơn đau cơ đầu gối ngăn cản. Người bệnh bất động đầu gối trong thời gian dài do ngại hoạt động sẽ gây cứng khớp, từ đó làm giảm khả năng vận động. Ngoài ra, giảm khả năng vận động cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ đầu gối viêm đã ở mức độ nặng. Lúc này, sự tổn thương nhóm cơ đầu gối đã ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan như gân, dây chằng hoặc bao khớp quanh đầu gối, khiến đầu gối bị giảm tầm vận động.
5. Yếu cơ
Yếu cơ không thể hiện quá rõ ràng ở những người bị viêm cơ ở đầu gối mức độ nhẹ. Triệu chứng thường diễn ra trong thời gian dài, khi người bệnh đã có những triệu chứng nặng hơn, liên quan đến chức năng của đầu gối. Lúc này, khả năng chịu lực của nhóm cơ đầu gối đã kém đi, gây khó khăn kể cả khi đứng yên.

Nguyên nhân gây viêm cơ đầu gối
1. Tuổi tác
Thoái hóa khớp gối tự nhiên ở người cao tuổi là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm cơ đầu gối do tình trạng viêm phản ứng hoặc chịu lực bù trừ cho phần khớp bị thoái hoá. Yếu tố này không thể tránh khỏi nhưng có thể chủ động giảm thiểu mức độ thoái hóa khớp bằng việc giữ gìn sức khỏe xương khớp từ khi còn trẻ, qua đó giảm tình trạng viêm đầu gối.
2. Tính chất công việc
Vận động viên và người lao động tay chân có tần suất hoạt động đầu gối liên tục, cường độ nặng. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ bị chấn thương đầu gối, tạo áp lực lớn lên đầu gối, mà còn gây tích tụ vi chấn thương. Nếu kéo dài sẽ làm cho cơ đầu gối và những hệ thống dây chằng, gân quanh đầu gối bị suy yếu và tổn thương.
3. Tình trạng bệnh lý
Những bệnh lý cơ xương khớp như bệnh gout, thoái hóa khớp gối, tổn thương mô mềm tại khớp gối… có thể kéo theo hệ lụy bệnh. Ở trường hợp này, bác sĩ sẽ điều trị bệnh lý nguyên phát dứt điểm để giải quyết cùng lúc viêm đầu gối và những triệu chứng khác.
4. Chấn thương
Chấn thương do tai nạn giao thông, té ngã sinh hoạt… đều gây tác động lực lớn lên đầu gối. Trường hợp nhẹ, sợi cơ đầu gối sẽ bị kéo giãn quá mức, gây ra phản ứng viêm sưng đặc hiệu. Trường hợp nặng hơn, đầu gối bị biến dạng cấu trúc, trật khớp gối, gãy xương đầu gối… thì tình trạng này sẽ trở thành nguyên nhân thứ phát do hệ quả của các chấn thương trên. (2)
5. Luyện tập quá mức
Vận động viên thường bị viêm cơ đầu gối và các vấn đề chấn thương đầu gối khác do cường độ luyện tập nghiêm ngặt. Việc liên tục chạy, bật nhảy cường độ cao làm tăng áp lực lên các cơ quan quanh đầu gối, tần suất tập luyện liên tục vượt ngưỡng khả năng chịu đựng của đầu gối, dẫn đến viêm cơ khớp gối.
6. Thừa cân béo phì
Thừa cân béo phì là nguyên nhân thứ phát gây ra nhiều bệnh lý cơ xương khớp như viêm cơ, thoái hóa khớp gối người trẻ, tăng nguy cơ trật khớp gối… Đầu gối là một trong những cơ quan chịu tải trọng của cơ thể. Một cơ thể thừa cân sẽ khiến cho đầu gối phải chịu áp lực lớn hơn bình thường. Người béo phì lại không có thói quen vận động nhiều, càng khiến cho chức năng cơ và khớp đầu gối trở nên suy yếu hơn, dễ mắc phải các vấn đề về cơ xương khớp. (3)
7. Chế độ ăn thiếu chất
Chế độ ăn mất cân bằng giữa các nhóm chất, thiếu hụt các vi chất có lợi cho xương khớp sẽ làm giảm hiệu quả nuôi dưỡng hệ cơ xương khớp khỏe mạnh. Nhất là những người lao động, vận động viên cần sử dụng đầu gối nhiều, việc thúc đẩy quá trình phục hồi cơ đầu gối thông qua chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp là cực kỳ quan trọng và là một trong những yếu tố cốt lõi phòng ngừa bệnh viêm cơ đầu gối.
Viêm cơ khớp gối có nguy hiểm không? Khi nào nên đi khám?
Căn bệnh này thường là hậu quả của tình trạng vi chấn thương lâu ngày. Triệu chứng ở mức độ nhẹ có thể chỉ gây khó chịu và một số bất tiện nhất định trong sinh hoạt. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà để thuyên giảm triệu chứng, phục hồi chức năng cơ đầu gối.
Tuy nhiên, khi triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, có xu hướng nặng hơn, người bệnh cần nhanh chóng đi khám với bác sĩ Khoa Cơ xương khớp để tiếp nhận điều trị tình trạng viêm cơ khớp đầu gối.
Viêm cơ thường xuất hiện ở các vị trí sau:
- Viêm cơ chân
- Viêm cơ bắp tay
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cơ
1. Khám lâm sàng
Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá thực thể đầu gối bị viêm dựa trên tầm vận động hiện tại, tình trạng sưng viêm, đồng thời khai thác những thông tin cơ bản như bệnh sử cơ xương khớp, thể trạng chung, tính chất công việc… Điều này giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân, xem xét chỉ định chẩn đoán chuyên sâu hơn nhằm kiểm tra tình trạng cụ thể của các nhóm cơ đầu gối.
2. Chụp X-Quang
Chụp X-quang kiểm tra hình dạng cấu trúc đầu gối thường áp dụng cho các trường hợp nghi ngờ bị thoái hoá khớp, gãy xương, biến dạng cấu trúc, ung thư xương hoặc nhiễm trùng.
3. Chụp MRI
Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị chính xác cao nhất, cung cấp cho bác sĩ loạt hình ảnh đa chiều của cấu trúc đầu gối. Bác sĩ có thể quan sát và phát hiện các bất thường về cơ đầu gối dễ dàng hoặc các chấn thương khác nếu có.

4. Siêu âm khớp gối
Hình ảnh siêu âm cơ giúp bác sĩ tìm ra vị trí bó cơ bị tổn thương gây viêm cơ đầu gối. Từ đó, đánh giá độ tương quan giữa bó cơ tổn thương, vị trí đau cơ ngoài da để chẩn đoán nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.
5. Chụp CT
Phương pháp chẩn đoán chụp cắt lớp vi tính CT cho ra những hình ảnh cấu trúc đầu gối theo lát cắt ngang, bao gồm: hình ảnh các mô mềm, mạch máu, xương, hệ thống gân cơ và dây chằng quanh gối.
Cách phương pháp điều trị viêm cơ đầu gối
1. Dùng thuốc theo chỉ định
Người bệnh được kê các loại thuốc giảm đau, chống viêm tùy với liều lượng và thời gian uống thuốc được cá nhân hóa dựa trên nguyên nhân, mức độ tổn thương bó cơ và tiên lượng bệnh.
2. Xoa bóp
Xoa bóp là một trong những biện pháp giảm cơn đau nhức cơ hiệu quả. Những cách xoa bóp đầu gối bao gồm:
- Day – xát nhẹ đầu gối: Để hai chân duỗi thẳng. Dùng 2 lòng bàn tay dát từ trên xuống rồi dát ngược từ dưới lên nhẹ nhàng. Lặp lại 20 lần. Sau đó, dùng 1 tay day tròn đầu gối, vị trí xương bánh chè, theo chiều kim đồng hồ 20 lần. Xoay ngược chiều thêm 20 lần.
- Miết khớp gối: Đặt đầu gối thành góc vuông, ngón tay cái đặt vị trí trên đỉnh cao nhất của đầu gối, sau đó miết dần về phía tâm, vị trí xương bánh chè. Thực hiện 20 lần.
3. Chườm lạnh và chườm nóng
Chườm nóng: Thực hiện chườm nóng khi cơn đau cơ đầu gối diễn ra liên tục, âm ỉ không khỏi hoàn toàn. Nhiệt độ nóng làm các mạch máu tại cơ đầu gối đước giãn ra, tăng lưu thông máu đến vị trí bó cơ tổn thương, giúp giảm đau kéo dài do viêm cơ đầu gối.
Chườm lạnh: Thực hiện khoảng 15 – 20 phút khi đầu gối có tình trạng sưng tấy, sinh nhiệt đi kèm cơn đau cấp tính. Nhiệt độ lạnh có tác dụng giảm đau cục bộ, tê vùng bó cơ tổn thương, thích hợp làm thuyên giảm phản ứng viêm cấp tính.
4. Vật lý trị liệu
Người bệnh thực hiện động tác co duỗi nhẹ nhàng, tăng dần mức độ theo sự cải thiện của cơ đầu gối. Đối với những bài tập vật lý trị liệu chuyên sâu, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu nhằm đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
5. Bổ sung thực phẩm
Người viêm cơ khớp gối nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giúp hỗ trợ làm thuyên giảm triệu chứng viêm cơ và thúc đẩy quá trình phục hồi cơ bắp, bao gồm:
- Cá béo
- Bông cải xanh
- Dầu ô liu
- Trái cây nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi…
- Đậu nành
- Hành tây
6. Can thiệp y khoa
Trường hợp viêm cơ đầu gối là nguyên nhân thứ phát của một bệnh lý khác, bác sĩ sẽ can thiệp y khoa điều trị bệnh. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại bệnh, mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cơ đầu gối.
Cách phòng ngừa viêm cơ đầu gối
Những biện pháp giúp cải thiện và duy trì sức khỏe nhóm cơ đầu gối, phòng ngừa tình trạng viêm cơ bao gồm:
- Tập thể dục đều đặn. Xen kẽ các bài tập sức bền và bài tập tăng cường cơ bắp để đạt được hiệu quả sức khỏe tốt nhất.
- Giữ vết thương ngoài da sạch sẽ, không để vết thương nhiễm trùng.
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung các dưỡng chất tốt cho cơ xương khớp.
- Hạn chế các nguy cơ gây chấn thương thể thao, tai nạn lao động.

Viêm cơ đầu gối xảy ra do nhiều nguyên nhân như chấn thương; thói quen sinh hoạt, vận động chưa đúng cách… Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Do đó, cần chủ động chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp ngay từ trẻ để phòng ngừa các tình trạng viêm cơ xảy ra.