Tướng Park Chung Hee lên nắm quyền ở Hàn Quốc sau cuộc đảo chính quân sự vào Tháng Năm 1961. Ông hứa sẽ “lập lại trật tự” và trả lại quyền lực cho giới dân sự, nhưng cuối cùng trở thành một nhà cai trị độc tài. Ông đã thay đổi Hiến pháp nhiều lần, mở rộng quyền lực tổng thống, hủy bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp và dỡ bỏ việc hạn chế về số lượng các đảng phái.

Bạn đang xem: Park chung hee bị ám sát

Ông được gọi là “cha đẻ của phép lạ kinh tế Hàn Quốc”, nhưng trong khi đó lại đàn áp dã man các cuộc biểu tình, bắt giữ và tra tấn những người chống đối, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm duyệt gắt gao trên các phương tiện truyền thông. Vào Tháng Mười 1979, Park bị bắn chết bởi một trong những cộng sự lâu năm và thân cận nhất của ông, người đứng đầu KCIA (cảnh sát mật Hàn Quốc) Kim Jae Kyu.

Tối 26 Tháng Mười 1979, Tổng thống Park Chung Hee dùng bữa tối lần cuối cùng trong đời. Cùng ngồi quanh bàn ăn có đội trưởng vệ sĩ riêng của tổng thống Cha Ji Chol, Chánh văn phòng tổng thống Kim Ke Won và Giám đốc KCIA Kim Jae Kyu. Bữa tối diễn ra trong khu phức hợp dinh tổng thống (thường được gọi là Nhà Xanh) được bảo vệ nghiêm ngặt.


*
Tổng thống Park Chung-hee (trong chuyến công du Washington năm 1965) và Tổng thống Lyndon Johnson (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Đề tài cuộc trò chuyện chuyển sang các cuộc biểu tình hàng loạt ở Busan, quê hương của Park. Tổng thống phiền trách người đứng đầu cảnh sát mật vì không thể đối phó với tình trạng bất ổn hỗn loạn mỗi lúc mỗi tăng và không cử lính dù đến để giải tán cuộc biểu tình. Kim Jae Kyu phản đối rằng đây không chỉ là cuộc bạo loạn của sinh viên – hàng nghìn công dân bình thường tham gia cùng họ, và việc đàn áp bằng vũ lực sẽ làm dấy lên những cuộc nổi loạn trên toàn bộ đất nước. Nhưng Park đã ngắt lời Kim Jae Kyu, nói rằng lần sau ông sẽ đích thân ra lệnh bắn giết.

Thư ký tổng thống, Kim Ke Won, cố gắng chuyển cuộc trò chuyện sang một chủ đề khác, nhưng đội trưởng vệ sĩ Cha Ji Chol đã đổ thêm dầu vào lửa. Anh ta gọi người đứng đầu cảnh sát mật là mềm yếu và nói thêm rằng “Phải tay tôi, tôi đã ra lệnh nghiền nát những người biểu tình bằng xe tăng!”. Tổng thống Park gật đầu tán thành.

Những lời trách móc từ tổng thống và vệ sĩ của ông khiến Kim tức điên. Ông lặng lẽ rời khỏi bàn ăn, đi đến văn phòng mình lấy khẩu súng lục rồi ra lệnh cho cấp dưới vô hiệu hóa đám cảnh vệ của tổng thống. Sau đó, ông ta quay trở lại bàn ăn và hét lên với Tổng thống: “Làm sao ông có thể nghe theo lời khuyên của con sâu bất trị này?!”.

Đầu tiên Kim bắn vào Cha Ji Chol, sau đó là Tổng thống Park. Khẩu súng bị kẹt đạn, Kim liền chạy sang phòng bên cạnh, nơi người của ông đang bắn vào các vệ sĩ của tổng thống, và lấy vũ khí từ một trong những vệ sĩ của ông. Kim kết liễu Cha trong phòng tắm, nơi ông cố gắng trốn, và Tổng thống Park bị xử bằng một phát vào đầu. Tổng cộng, sáu người đã thiệt mạng vào tối hôm đó: Tổng thống, vệ sĩ trưởng cùng ba vệ sĩ và tài xế riêng của tổng thống. Chỉ có chánh văn phòng phủ tổng thống, Kim Ke Won, sống sót.

*
Tổng thống Park Chung Hee và vợ chồng Tổng thống Richard Nixon, 1969 (ảnh: Dave Randolph/San Francisco Chronicle via Getty Images)

“Cha đẻ của phép màu kinh tế Hàn Quốc”

Từng là tướng quân đội và là cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên, Park Chung Hee đã cai trị Hàn Quốc trong gần 18 năm. Ban đầu, Park hứa sẽ không tranh cử tổng thống vào mùa Thu năm 1963. Nhưng trước cuộc bỏ phiếu vài tháng, ông đã thay đổi quyết định và cuối cùng đã đánh bại đối thủ của mình trong gang tấc. Theo Hiến pháp thời đó, ông không thể làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ, và đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông tuyên bố sẽ không tiếp tục nắm giữ quyền lực.


Nhưng sau đó ông lại thay đổi ý định và lần đầu tiên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, cho phép ông tái đắc cử lần thứ ba liên tiếp vào năm 1971. Sau đó, ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước và hợp pháp hóa Hiến pháp mới, theo đó tổng thống nhận được nhiều quyền lực hơn và được bầu không phải bằng bỏ phiếu phổ thông trực tiếp, mà bởi đại cử tri đoàn và với số nhiệm kỳ không giới hạn.

Park Chung Hee từng được gọi là “cha đẻ của phép màu kinh tế Hàn Quốc”. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hàn Quốc bắt đầu chuyển đổi từ một quốc gia nông nghiệp bị tàn phá bởi Chiến tranh Triều Tiên thành một nền kinh tế công nghệ cao phát triển mạnh. Park đưa ra khái niệm “chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát”. Dưới thời ông, các doanh nghiệp ngày càng phát triển – các tập đoàn gia đình nhận được đặc quyền và lợi ích từ nhà nước để đổi lấy việc hoàn thành nghiêm ngặt các nhiệm vụ của chính phủ. Những tập đoàn nổi tiếng nhất là Samsung, LG Group, Hyundai, Daewoo.

*
Tổng thống Park Chung-hee (thứ ba, trái sang) tại Hội nghị SEATO 1966, Philippines (ảnh: Photo12/Universal Images Group via Getty Images)

Khét tiếng độc tài

Vào đầu những năm 1970, Park Chung Hee thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt trong nước. Nền cai trị của ông đi kèm với sự đàn áp chính trị, sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình, kiểm duyệt phương tiện truyền thông và quy trách nhiệm hình sự cho việc chỉ trích chính quyền.

Park Chung Hee đã sống sót sau một số vụ ám sát, một trong số đó vào năm 1974 khiến vợ ông bị thiệt mạng. Từ đó, Park hạn chế hoạt động ngoài xã hội và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông ta biến lực lượng bảo vệ cá nhân thành một đơn vị quân đội với trang thiết bị quân sự, và người đứng đầu là Cha Ji Chol nhận được quyền hạn rộng rãi đến mức nhân vật này trở thành người quyền lực thứ hai trong nước.

Vì điều này, Park đã gây bất hòa với các cộng sự lâu năm của mình. Một trong số đó là Kim Jae Kyu. Họ học cùng nhau tại Học viện Quân sự Hàn Quốc vào giữa những năm 1940. Sau khi Park lên nắm quyền, Kim trở thành một trong những cộng sự và cố vấn thân cận nhất của ông cho các chiến dịch tranh cử tổng thống, đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Và cuối cùng, vào năm 1976, Kim trở thành người đứng đầu KCIA, thực chất là cảnh sát mật, làm nhiệm vụ tình báo và phản gián, trấn áp phe đối lập, mua chuộc và gây áp lực với giới truyền thông.

*
Đám tang Park Chung-hee (ảnh: Alain MINGAM/Gamma-Rapho via Getty Images)

Sau khi giết Park, Kim đến gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội, Jung Seung Hwa – hy vọng Jung ủng hộ mình và ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc. Lúc đó, Jung đã biết về vụ việc từ thành viên duy nhất còn sống trong bữa tối ở Nhà Xanh và thay vì nghe theo lời Kim Jae Kyu, ông đã ra lệnh bắt giam khẩn cấp tay trùm mật vụ này. Kim Jae Kyu cùng với các đồng phạm đã bị tòa kết án tử hình. Bất luận trước đó Park Chung Hee bị dân chúng phản đối, gần hai triệu người đã xuống đường trong lễ tang của ông…

Năm 1971, khi ông Park Chung-hee bật chai sâm banh khánh thành tuyến đường cao tốc Seoul – Busan, Hàn Quốc chính thức bước vào thời kỳ hiện đại hóa. Từ một quốc gia đói nghèo với thu nhập đầu người 94 USD/năm (1961), Hàn Quốc nhanh chóng trở thành rồng châu Á.


Cho đến nay, cuộc đời, sứ mệnh chính trị của ông Park Chung-hee vẫn để lại nhiều tranh cãi. Ông đảo chính giành chính quyền năm 1961. Ngày 26.10.1979, ông bị thuộc hạ bắn chết sau 4 nhiệm kỳ làm tổng thống, đưa nền kinh tế Hàn Quốc đạt được những bước tiến kinh ngạc.
Park Chung-hee là người đầu tiên trong loạt bài “những nhân vật có ảnh hưởng nhất đến Hàn Quốc” được nhật báo Korea Times đăng tải. Cuộc bình chọn được Gallup tổ chức năm 2015, 44% dân Hàn xem ông là tổng thống vĩ đại nhất lịch sử.
Có người bảo ông độc tài, có người chọn ông là người tạo bước ngoặt hiện đại hóa nền công nghiệp, và sau là cả đất nước Hàn Quốc vốn dĩ thiên về đạo Khổng, suốt thời gian sau chiến tranh Triều Tiên vẫn chỉ chăm bẵm, dạy dỗ lớp trẻ về lịch sử, đạo đức và... làm thơ. Ở Hàn Quốc lúc đó, không ai dạy cách làm thương mại.
Sau chiến tranh Triều Tiên, đất nước Hàn Quốc đắm chìm trong nghèo khó. Tăng trưởng kinh tế gần như con số 0 và gần như lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ. Trên chính trường, công chức đi làm lương không đủ ăn. Khi có chức, họ cố gắng vơ vét theo tư duy nhiệm kỳ.
Vừa nắm quyền, ông Park mở cùng lúc 3 mặt trận: chống tham nhũng, phát triển kinh tế theo mô hình tập trung và... bố ráp những người giàu. Nhiều thương nhân giàu có bị bắt, nhưng sau đó hầu hết đều được thả ra sau khi họ cam kết thành lập những công ty phục vụ cho nền kinh tế tập trung mà ông Park và đội ngũ tham mưu đã hoạch định sẵn.
Khi vây bắt người giàu, lực lượng đối lập đã trông chờ ông Park sẽ thẳng tay đàn áp. Nhưng không, ông Park đã tận dụng tài làm ăn của họ để thúc đẩy lợi nhuận cho quốc gia. Tuy nhiên, giới chủ ngân hàng thì bị quốc hữu hóa hoàn toàn. Vì sao? Ông Park muốn biết chắc rằng các khoản ngân hàng cho vay đều phải được đổ vào đúng hướng ông muốn. Đây là một yếu tố quyết định đến kế hoạch phát triển kinh tế tập trung như đã phác thảo.
Năm 1962, ông Park tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Không có mấy ai ấn tượng. Châu Á lúc đó, Burma (nay là Myanmar) và Philippines mới là những nền kinh tế nhiều hứa hẹn. Tất cả dự đoán cho nền kinh tế Hàn Quốc lúc đó thật ảm đạm.
Hơn ai hết, ông Park hiểu bầu sữa viện trợ của Mỹ một ngày nào đó sẽ không còn. Đầu thập niên 1960, Hàn Quốc là nước nhận viện trợ lớn thứ 3 của Mỹ, chỉ sau Việt Nam Cộng hòa và Israel. Ông khuyến khích người dân tập trung sản xuất để xuất khẩu. Khẩu hiệu “xuất khẩu: tốt, nhập khẩu: xấu” được lan rộng. Các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm, nếu đạt hoặc vượt chỉ tiêu, doanh nghiệp sẽ được chính phủ ưu tiên tính dụng, ưu đãi thuế, ưu tiên chính sách. Trái lại, các doanh nghiệp không đạt sẽ có nguy cơ bị thay thế hoặc xóa sổ.
Song song đó, ông tập trung phát triển các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia với sự hỗ trợ tối đa của chính phủ đồng thời tiến hành hiện đại hóa nông thôn. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%/năm, kế hoạch 5 năm lần 2, mức tăng trưởng đạt đến mức chính ông Park và đội ngũ tham mưu cũng không dám nghĩ: 11,4%/năm.
Tuyến cao tốc Seoul – Busan được xem là biểu tượng của lòng kiên định và tinh thần “có thể làm” trong công cuộc cải cách của ông Park. Trước lễ khởi công năm 1968, đảng đối lập cho rằng “Hàn Quốc không hề có kinh nghiệm, công nghệ và thiết bị để làm” và “ông Park sẽ làm kiệt quệ ngân khố vì con đường này”. World Bank khuyến cáo ông Park “không nên”. Ngân hàng quốc tế về Tái thiết và Phát triển từ chối cho vay và quốc hội bỏ phiếu phủ quyết, cho rằng ông Park sẽ đẩy Hàn Quốc đến nguy cơ phá sản.
*

Thế nhưng, Park Chung-hee phớt lờ tất cả. Ông và các cộng sự được truyền cảm hứng từ hệ thống đường cao tốc ở Đức và Mỹ, chứng kiến hệ thống này thúc đẩy nền kinh tế như thế nào. Ngày 1.2.1968, tuyến cao tốc Seoul – Busan vẫn nhất quyết được khởi công. 29 tháng sau, tuyến đường đã hoàn thành, kết nối Seoul với Suwon, Daejon, Gumi, Daegu và Busan. Tổng chiều dài đạt 416 km, tốc độ cho phép lên đến 100 km/giờ với tổng chi phí 42,9 tỉ won, tương đương với 23,6% tổng ngân sách quốc gia năm 1967.
Chỉ 3 năm sau, 80% lượng phương tiện đi lại của Hàn Quốc đã sử dụng tuyến đường này và những địa phương tuyến cao tốc đi qua đã đem lại hơn 76% tổng sản phẩm quốc nội và hơn 80% sản phẩm công nghiệp. Trong ngày khánh thành, ông Park Chung-hee nhấn mạnh: “Hôm nay, ao ước từ lâu của người dân Hàn Quốc đã được thực hiện. Đây là thành quả của máu, mồ hôi và lòng quyết tâm của nhân dân. Qua dự án này, chúng ta đã chứng tỏ được khả năng, nguồn lực và sức mạnh của chúng ta là vô tận”.
70 công nhân đã thiệt mạng trong quá trình thi công và tính đến năm 2008, Hàn Quốc đã có hệ thống gồm 27 tuyến đường cao tốc với chiều dài lên đến 3.500km, trong đó tuyến Seoul – Busan đóng vai trò quan trọng trong hệ thống 20,557 km cao tốc của châu Á, kết nối Hàn Quốc với các nền kinh tế Nhật, Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Pakistan, Iran và đến tới cả biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria.
Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (2008), Bộ trưởng Giao thông Chung Jong-hwan nhìn nhận: “Những tuyến đường cao tốc, tiêu biểu như Seoul – Busan, chính là công cụ để đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển”.

Cuộc đảo chính diễn ra ngày 16.5.1961, được tổ chức và tiến hành bởi Park Chung-hee và một số sĩ quan đồng minh, lập ra Ủy ban Quân sự Cách mạng, dẫn đầu bởi Tổng tham mưu trưởng quân đội Chang Do-yong. Cuộc đảo chính phế truất chính quyền dân cử của Yun Posen và kết thúc nền đệ nhị cộng hòa, thành lập Hội đồng tối cao tái thiết quốc gia do Park Chung Hee đứng đầu sau khi tướng Chang bị bắt vào tháng 7.

Xem thêm: Văn Khấn Thổ Công, Bài Cúng Ngày Rằm Mùng Một Hàng Tháng Chuẩn Nhất

Tháng 10.1979, trong bối cảnh lãnh đạo đối lập Kim Young-sam bị loại khỏi quốc hội và các cuộc biểu tình làm tê liệt các thành phố Busan và Masan, trong một bữa ăn tối, Park Chung-hee nặng lời với Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc Kim Jae-kyu vì không kiểm soát được tình hình. Cận vệ của Park là Cha Ji-chul cũng lên tiếng chê trách Kim. Kim rời phòng ăn rồi trở lại với khẩu súng lục trên tay, bắn chết Cha sau đó đến Park. Hơn 2 triệu người Hàn Quốc đã đổ ra đường phố Seoul để đưa quan tài Park Chung Hee đến nghĩa trang quốc gia. Sau 18 năm cầm quyền, Park Chung-hee đã đưa thu nhập bình quân đầu người dân Hàn Quốc từ 94 USD/năm (1961) lên đến 1.784 USD/năm vào năm 1979. Năm 2019, GDP đầu người của Hàn Quốc đạt 38.416 USD/năm, đứng hạng 28 thế giới.